Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4 năm 2021

2021-04-15 08:22:00.0

 

1. Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện

Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN ngày 01/3/2021 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh), UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện); chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, vị trí, chức năng của Sở Khoa học và Công nghệ được Thông tư quy định như sau:

Sở Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi tắt là Sở) là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, bao gồm: hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Sở theo quy định của pháp luật.

Sở Khoa học và Công nghệ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Vị trí, chức năng của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp huyện cũng được quy định rõ tại Điều 3 của Thông tư như sau:

Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn theo quy định của pháp luật; Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật; chấp hành sự lãnh đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Khoa học và Công nghệ.

Tại Điều 5 của Thông tư quy định vị trí, chức năng của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng như sau:

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây viết tắt là Chi cục) là tổ chức trực thuộc Sở, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quản lý và tổ chức thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Vị trí, chức năng của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tại Điều 7 của Thông tư quy định:

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (có tên gọi là Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hoặc tên gọi khác, sau đây gọi tắt là Trung tâm Ứng dụng) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, có chức năng nghiên cứu ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Ứng dụng có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 8 của Thông tư quy định vị trí, chức năng của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng thông tin và thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như sau:

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng thông tin và thống kê khoa học và công nghệ (có tên gọi là Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ hoặc tên gọi khác, sau đây gọi tắt là Trung tâm Thông tin) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, có chức năng thông tin, thống kê khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ công tác quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Thông tin có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 9 của Thông tư quy định vị trí, chức năng của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoạt động sự nghiệp và dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau:

Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mã số, mã vạch (có tên gọi là Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hoặc tên gọi khác, sau đây gọi tắt là Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục, giúp Chi cục trưởng thực hiện các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường, năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mã số, mã vạch phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 01/2021/TT-BKHCN ngày 01/3/2021 có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.

2. Quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải

Thông tư số 04/2021/TT-BGTVT ngày 26/02/2021 quy định về điều kiện để cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải, bao gồm: Các điều kiện về chương trình, tài liệu bồi dưỡng giảng viên; cơ sở vật chất, cơ sở thực hành; kinh nghiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; việc tổ chức thực hiện bồi dưỡng; đánh giá chất lượng bồi dưỡng; in, cấp, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng. Áp dụng đối với học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo, nghiên cứu) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong đó, mục đích bồi dưỡng được quy định cụ thể tại Điều 2 của Thông tư đó là: Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của viên chức ngành Giao thông vận tải; đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định pháp luật để làm căn cứ xét thăng hạng, thi thăng hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và thực hiện các chế độ, chính sách khác có liên quan.

Việc tổ chức thực hiện bồi dưỡng được quy định cụ thể tạo Điều 3 của Thông tư như sau: Học viện, viện nghiên cứu, trường đại học và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ điều kiện quy định tại Chương II của Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải hạng I, viên chức ngành Giao thông vận tải hạng II; trường cao đẳng và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ tiêu chuẩn quy định tại Chương II của Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải hạng II, viên chức ngành Giao thông vận tải hạng III; trường trung cấp và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có đủ tiêu chuẩn quy định tại Chương II của Thông tư này được tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải hạng IV, viên chức ngành Giao thông vận tải hạng V.

Việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải và việc in, cấp, quản lý chứng chỉ bồi dưỡng được quy định cụ thể tại Điều 4 của Thông tư như sau: Việc đánh giá chất lượng bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2017/TT-BNV ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan; việc in, cấp và quản lý chứng chỉ bồi dưỡng viên chức ngành Giao thông vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Thông tư số 04/2021/TT-BGTVT ngày 26/02/2021 có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.

3. Sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/02/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/1/2015

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Phân loại, áp dụng mức thuế đối với một số trường hợp đặc biệt.

2. Trường hợp có sự khác biệt về mô tả hàng hóa tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mô tả hàng hóa theo Danh mục HS, Danh mục AHTN thì áp dụng trực tiếp mô tả hàng hóa theo Danh mục HS, Danh mục AHTN để phân loại và hướng dẫn phân loại theo nguyên tắc áp dụng quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.”

Điều 9 của ược sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại

Cơ quan hải quan nơi có yêu cầu phân tích hàng hóa có trách nhiệm lập và gửi hồ sơ yêu cầu phân tích; hồ sơ gồm: Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa (theo mẫu số 05/PYCPT/2021 ban hành kèm Thông tư này). Mỗi mặt hàng lập 01 Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa; phiếu ghi số, ngày văn bản, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan liên quan đến mẫu hàng hóa; mẫu hàng hóa yêu cầu phân tích; tài liệu kỹ thuật của hàng hóa. Trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan nơi gửi hồ sơ phải nêu rõ lý do hàng hóa không có tài liệu kỹ thuật tại mục 12 mẫu số 05/PYCPT/2021 về phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm biên bản lấy mẫu ban hành kèm theo Thông tư này.”

Thông tư số 17/2021/TT-BTC ngày 26/02/2021 có hiệu lực từ ngày 12/4/2021.

4. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch, cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép tàu trên đường sứt và Thông tư số 24/2020/TT-BGTVT ngày 13/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về chế độ báo cáo định kỳ trong lĩnh vực đường sắt 

Thông tư số 05/2021/TT-BGTVT ngày 01/3/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BGTVT ngày 15/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Cụ thể bổ sung Điều 77a như sau: “Điều 77a. Trách nhiệm của Chủ đầu tư dự án (hoặc tổ chức được Chủ đầu tư dự án giao quản lý dự án đường sắt đô thị) đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ sử dụng lần đầu tại Việt Nam.

Cử người tham gia Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Thông tư này.

Xác nhận đối với nhân sự lái tàu được đề nghị cấp giấy phép lái tàu đã trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống của Dự án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Thông tư này. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận này.”.

Bổ sung khoản 7, khoản 8 vào Điều 78 như sau: “7. Chịu trách nhiệm về nội dung xác nhận đối với nhân sự lái tàu đã trực tiếp điều khiển đoàn tàu bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống của Dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Thông tư này.”.

“8. Cử người tham gia Hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Thông tư này.”.

Thông tư số 05/2021/TT-BGTVT ngày 01/3/2021 có hiệu lực từ ngày 15/4/2021.

Phòng Dịch vụ HCC (Tổng hợp và biên tập)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 165944

XÃ ĐỒNG LIÊN - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Xã Đồng Liên, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Tạ Văn Phin - Chủ tịch UBND xã

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân xã Đồng Liên. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 02083 933 382
  • donglien.tp@thainguyencity.gov.vn